Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Khái niệm về thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp hay tên Tiếng Anh là Profit tax, được biết tới là một loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào khoản thu nhập doanh nghiệp phải chịu thuế, bao gồm các khoản sau: Thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và các loại thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

2. Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 6 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, căn cứ tính thuế là thu nhập tính thuế và thuế suất.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013) quy định như sau:

Điều 1 – Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp:

…11. Khoản 1 Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp nhà nước, ngoài việc thực hiện trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của Luật này còn phải bảo đảm tỷ lệ trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối thiểu theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.”

Theo đó, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được tính theo công thức sau:

Số tiền thuế TNDN=Thu nhập tính thuếPhần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)xThuế suất

Trong đó:

– Thu nhập tính thuế được xác định ở mục dưới

– Phần trích lập quỹ khoa học và công nghệ: Theo đó, doanh nghiệp tự quyết định mức trích lập hằng năm nhưng không được vượt quá 10% thu nhập tính thuế (theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 218/2013/NĐ-CP).

– Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường là 20%, trừ trường hợp:

+ Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực dầu khí (khai thác, thăm dò, tìm kiếm), thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 2023 áp dụng đối với các doanh nghiệp này có sự thay đổi từ 32%- 50% thành 25%-50% từ 1/7/2023.

+ Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế suất với mức 10%, 17%

2.1 Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế  + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định 

Trong đó:

– Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định: Là chênh lệch âm của thu nhập tính thuế, không bao gồm các khoản lỗ đã kết chuyển từ năm trước. Sau khi doanh nghiệp quyết toán thuế bị lỗ cả năm thì cần chuyển liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế các năm sau đó không quá 5 năm kể từ khi phát sinh lỗ.

– Thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp cần lưu ý bao gồm: 

  • Thu nhập từ hoạt động nông nghiệp (và các dịch vụ kỹ thuật phục vụ nông nghiệp), lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp 
  • Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ
  • Thu nhập từ hoạt động kinh doanh sản xuất với số lao động chiếm từ 30% trở lên là người khuyết tật, người sau cai có số lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV
  • Thu nhập từ hoạt động dạy nghề cho đối tượng là người dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người đang cai nghiện, sau cai nghiện, nhiễm HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác;
  • Thu nhập từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh với doanh nghiệp trong nước;
  • Việc tài trợ được cấp cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hoá, nghệ thuật, nhân đạo…
  • Thu nhập từ hoàn thành nhiệm vụ do Nhà nước giao từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong mảng tín dụng đầu tư, xuất khẩu, tín dụng cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn…
  • Thu nhập từ hoạt động chuyển giao công nghệ trong những lĩnh vực ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân tại các lĩnh vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn…

 

2.2 Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thu nhập chịu thuế TNDN là khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá dịch vụ và các loại thu nhập khác bao gồm:

  • Thu nhập từ việc chuyển giao vốn, chuyển nhượng BĐS;
  • Thu nhập từ quyền sở hữu sử dụng tài sản, cho thuê hay thanh lý tài sản; 
  • Thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng, cho vay, bán ngoại tệ, các khoản dự phòng;
  • Thu khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được; khoản nợ phải trả không xác định được chủ; 
  • Khoản thu nhập có được từ những năm trước bị sót hay những hoạt động sản xuất kinh doanh không nằm trên lãnh thổ Việt Nam…

Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác

Trong đó:

  1. Doanh thu: Doanh thu có thể tính là toàn bộ số tiền có được từ việc bán hàng hóa, gia công, cung cấp dịch vụ kể cả các khoản trợ giá, phụ thu mà doanh nghiệp thuộc diện hưởng lợi không phân biệt thu được tiền hay chưa.
  2. Chi phí được trừ: Chi phí được trừ là những khoản thực chi khi phát sinh trong hoạt động kinh doanh sản xuất có doanh nghiệp trong các mảng thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng, an ninh theo quy định của nhà nước và có minh chứng đầy đủ bằng hóa đơn, giấy tờ. Với hoá đơn mua hàng hoá dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, phải có chứng từ thanh toán giao dịch trực tuyến.

Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý thêm về một số khoản chi không được trừ như một số ví dụ dưới đây:

– Những khoản chi chưa đáp ứng đủ điều kiện của chi phí được trừ như trên

– Chi khấu hao TSCĐ chưa tuân theo quy định hay vượt mức quy định hiện hành.

– Chi khấu hao TSCĐ trong thời gian tạm dừng từ 9 tháng với hoạt động sản xuất theo mùa vụ và 12 tháng trở lên với hoạt động tạm dừng do sửa chữa, di dời địa điểm, bảo trì…

– Mua hàng hóa, dịch vụ tại hộ sản xuất có doanh thuế dưới mức doanh thu chịu thuế GTGT là 100 triệu đồng/năm, không có hoá đơn và bảng kê thu mua hàng hoá theo quy định.

– Chi tiền lương, công cho người lao động thực tế không chi trả hay không có đủ chứng từ thanh toán quy định; không quy định rõ ràng trong hợp đồng hay thỏa thuận lao động..

– Chi trả trang phục cho người lao động vượt mức 5 triệu đồng/người/năm;

– Chi trả những khoản sau vượt quá 3 triệu/người/tháng:

  • Nộp quỹ hưu trí tự nguyện
  • Mua bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động;
  • Phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

– Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ hay hoàn thuế

– Tiền phạt vi phạm hành chính

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật M.J về cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp, đây là một trong những vấn đề chuyên nghiệp với nghiệp vụ chuyên môn cao. Do đó doanh nghiệp cần phải thuê những bên dịch vụ kế toán hoặc kế toán riêng của doanh nghiệp thực hiện nghiệp vụ này. Trong trường hợp còn bất cứ điều gì thắc mắc có liên quan hãy liên hệ trực tiếp tới Luật M.J để được tư vấn và hướng dẫn một cách chi tiết nhất.

Quý doanh nghiệp có thể liên hệ với Luật M.J qua các thông tin sau:

– Zalo: 0814 9 67899

– Email: tuvanluat.mj@gmail.com

– Địa chỉ: Số 139 Phố Kẻ Vẽ, Phường Đông Ngạc, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội