Mã số thuế hộ kinh doanh và mã số thuế cá nhân có phải là một không
1. Mã số thuế hộ kinh doanh và mã số thuế cá nhân có phải là một không?
Mã số thuế hộ kinh doanh là mã số thuế cơ quan nhà nước cấp cho cá nhân người đại diện hộ kinh doanh, tức là, mã số thuế hộ kinh doanh chính là mã số thuế cá nhân của người đại diện hộ kinh doanh (theo đó có thể hiểu mã số thuế hộ kinh doanh và mã số thuế cá nhân của người đại diện hộ kinh doanh là một).
Mã số thuế là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế.
Trong đó, mã số thuế 10 chữ số được sử dụng cho doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân; đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh và cá nhân khác (theo điểm a khoản 2 Điều 30 Luật Quản lý thuế năm 2019).
Điểm e khoản 3 Điều này cũng nêu rõ: “Mã số thuế cấp cho hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là mã số thuế cấp cho cá nhân người đại diện hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.”
Như vậy, căn cứ quy định trên, có thể khẳng định, mã số thuế hộ kinh doanh và mã số thuế cá nhân của người đại diện hộ kinh doanh đó là giống nhau.
Theo quy định hiện hành mỗi cá nhân chỉ được cấp duy nhất 01 mã số thuế, mã số thuế này được sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Do vậy nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh cũng là nghĩa vụ của người đại diện hộ kinh doanh.Theo đó, từ khi thành lập hộ kinh doanh đến khi chấm dứt hoạt động thì nghĩa vụ nộp thuế của hộ kinh doanh cũng chính là nghĩa vụ nộp thuế của người đại diện hộ kinh doanh.
2. Mã số hộ kinh doanh có phải mã số thuế không?
Căn cứ theo Điều 83 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về mã số đăng ký hộ kinh doanh như sau:
– Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi mã số đăng ký hộ kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo cấu trúc sau:
- Mã cấp tỉnh: 02 ký tự bằng số;
- Mã cấp huyện: 01 ký tự bằng chữ cái tiếng Việt;
- Mã loại hình: 01 ký tự, 8 = hộ kinh doanh;
- Số thứ tự hộ kinh doanh: 06 ký tự bằng số, từ 000001 đến 999999.
– Các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được thành lập mới sau ngày Nghị định 01/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành được chèn mã tiếp, theo thứ tự của bảng chữ cái tiếng Việt.
– Trường hợp tách quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, đơn vị bị tách giữ nguyên mã chữ cũ và đơn vị được tách được chèn mã tiếp, theo thứ tự của bảng chữ cái tiếng Việt.
– Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư mã mới của cấp huyện được thành lập mới hoặc được tách.
Ngoài ra, điểm i khoản 2 Điều 4 Thông tư số 105/2020/TT-BTC quy định đối tượng phải đăng ký thuế, trong đó có: “Hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả cá nhân của các nước có chung đường biên giới đất liền với việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu (Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh).”
Như vậy, căn cứ theo các quy định ở trên có thể xác định mã hộ kinh doanh và mã số thuế hộ kinh doanh là khác nhau. Và như đã nêu ở trên thì mã số thuế hộ kinh doanh chính là mã số thuế cá nhân của người đại diện hộ kinh doanh. Do đó, mã số hộ kinh doanh không phải mã số thuế hộ kinh doanh.
Quý doanh nghiệp có thể liên hệ với Luật M.J qua các thông tin sau:
– Zalo: 0814 9 67899
– Email: tuvanluat.mj@gmail.com
– Địa chỉ: Số 139 Phố Kẻ Vẽ, Phường Đông Ngạc, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội