Các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp hiện hành
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm đó là các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp hiện hành. Khi cá nhân tổ chức tìm kiếm thông tin doanh nghiệp trên những trang thông tin điện tử về đăng ký doanh nghiệp thì sẽ kèm theo những dòng tình trạng pháp lý của doanh nghiệp. Tuy nhiên thì không phải ai cũng hiểu được tình trạng pháp lý đó có nghĩa là gì. Bài viết dưới đây Luật M.J giúp khách hàng giải đáp những thắc mắc trên.
Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành thì hiện quy định 07 tình trạng sau:
1. Tình trạng “Tạm ngừng kinh doanh”
Tình trạng tạm ngừng kinh doanh được tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, công ty đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó thì doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh tối đa là 01 năm, và được quyền gia hạn tạm dừng kinh doanh 02 lần.
2. Tình trạng “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký”
Đây được hiểu là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp mà qua công tác kiểm tra, xác minh về vấn đề kinh doanh của Cơ quan quản lý thuế và các đơn vị có liên quan không tìm thấy doanh nghiệp tại địa chỉ đã đăng ký. Thông thường khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng này, chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ bị đóng mã số thuế.
3. Tình trạng “Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế về quản lý thuế”
Đây là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi GCN đăng ký doanh nghiệp theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế về thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
4. Tình trạng “Đang làm thủ tục giải thể, đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập”
Đây là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã có nghị quyết, quyết định giải thể theo khoản 3 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020; doanh nghiệp đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế; doanh nghiệp bị giải thể theo quyết định của Tòa án theo khoản 1 Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020; doanh nghiệp đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập và đang làm thủ tục quyết toán và chuyển giao nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập.
5. Tình trạng “Đang làm thủ tục phá sản”
Đây là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, công ty trong trường hợp đã có quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản.
6. Tình trạng “Đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại”
Đây là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, công ty đã hoàn thành thủ tục giải thể theo quy định và được Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý theo khoản 8 Điều 208, khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020; doanh nghiệp có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về phá sản; doanh nghiệp bị chấm dứt tồn tại do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập theo khoản 5 Điều 198, khoản 5 Điều 200, khoản 4 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020.
7. Tình trạng “Đang hoạt động”
Đây là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đã được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp, đang hoạt động kinh doanh bình thường mà không thuộc tình trạng pháp lý quy định tại các mục 1, 2, 3, 4, 5.
Như vậy có thể thấy khi tiến hành thỏa thuận và giao kết Hợp đồng với một pháp nhân, thì cần phải tiến hành tra cứu tình các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp hiện hành để xem xét công ty đó có đang hoạt động bình thường hay không. Đã bị giải th hay chấm dứt kinh doanh chưa. Bởi vì trong trường hợp ký kết các Hợp đồng đó, thì Hợp đồng thường bị vô hiệu, không có hiệu lực trên thực tế, gây ảnh hưởng đến quyền lợi trên thực tế của các cá nhân, tổ chức thực hiện giao kết cùng. Trong trường hợp cần tư vấn cụ thể hơn, hãy liên hệ trực tiếp tới Luật M.J để được hướng dẫn chi tiết hơn.
Quý doanh nghiệp có thể liên hệ với Luật M.J qua các thông tin sau:
– Zalo: 0814 9 67899
– Email: tuvanluat.mj@gmail.com
– Địa chỉ: Số 139 Phố Kẻ Vẽ, Phường Đông Ngạc, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội