Cổ phần và cổ phiếu có giống nhau không
Hiện nay có rất nhiều người không phân biệt được cổ phần và cổ phiếu và thường xem hai khái niệm này là một. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bài viết dưới đây Luật M.J sẽ đưa ra khái niệm cũng như một số tiêu chí để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn, từ đó nắm chắc kiến thức hơn để có thể đưa ra các quyết định đầu tư chính xác.
1. Thế nào là cổ phần trong công ty cổ phần?
Theo quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về công ty cổ phần cụ thể như sau:
“Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.”
Như vậy, căn cứ theo quy định hiện hành thì có thiểu hiểu Cổ phần là phần chia nhỏ nhất của vốn điều lệ, được thể hiện dưới dạng hình thức cổ phiếu. Khi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa (nghĩa là chuyển đổi thành công ty cổ phần) thì có thể thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện phát triển lớn mạnh.
2. Thế nào là cổ phiếu trong công ty cổ phần?
Căn cứ theo quy định tại Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cụ thể như sau:
“1. Cổ phiếu
Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Cổ phiếu phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
b) Số lượng cổ phần và loại cổ phần;
c) Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;
d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
đ) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;
e) Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;
g) Nội dung khác theo quy định tại các điều 116, 117 và 118 của Luật này đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.
2. Trường hợp có sai sót trong nội dung và hình thức cổ phiếu do công ty phát hành thì quyền và lợi ích của người sở hữu cổ phiếu đó không bị ảnh hưởng. Người đại diện theo pháp luật của công ty chịu trách nhiệm về thiệt hại do những sai sót đó gây ra.
3. Trường hợp cổ phiếu bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác thì cổ đông được công ty cấp lại cổ phiếu theo đề nghị của cổ đông đó. Đề nghị của cổ đông phải bao gồm các nội dung sau đây:
a) Thông tin về cổ phiếu đã bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác;
b) Cam kết chịu trách nhiệm về những tranh chấp phát sinh từ việc cấp lại cổ phiếu mới.”
Theo đó Cổ phiếu được hiểu là chứng chỉ được phát hành bởi công ty cổ phần nhằm xác nhận quyền sở hữu cổ phần của công ty.
3. Cổ phần và cổ phiếu có giống nhau không?
Căn cứ theo khái niệm cổ phần và cổ phiếu được trình bày ở trên thì có thể thấy cổ phần và cổ phiếu là hai vấn đề khác nhau. Ngoài khái niệm, chúng ta có thể phân biệt cổ phần và cổ phiếu dựa trên một số vấn đề pháp lý sau:
3.1 Giá trị pháp lý
Cổ phần là căn cứ thể hiện các thành viên đã góp vốn vào công ty, chứng minh mình là cổ đông của công ty.
Cổ phiếu là căn cứ về việc sở hữu cổ phần, thường được sử dụng bởi các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
3.2 Mệnh giá
Mệnh giá của cổ phần được tính theo vốn điều lệ chia cho tổng số cổ phần. Mệnh giá cổ phần và giá chào bán có thể khác nhau.
Mệnh giá cổ phiếu lần đầu chào bán ra công chúng là 10 nghìn đồng, mệnh giá được ghi trên cổ phiếu.
3.3 Phân loại
Có 2 loại cổ phần chính là: Cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi (cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức)
Cổ phiếu cũng được chia thành 2 loại:
– Cổ phiếu ghi danh: Có ghi thông tin của người sở hữu, việc chuyển nhượng phức tạp.
– Cổ phiếu vô danh: Không ghi tên người sở hữu, được tự do chuyển nhượng.
Trên cổ phiếu phải có ghi các nội dung như: Thông tin tên, địa chỉ và trụ sở của công ty, chứng nhận đăng ký kinh doanh, số lượng và loại cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá ghi trên cổ phiếu, thông tin về cổ đông, chữ ký của người đại diện theo pháp luật và dấu của công ty, số đăng ký tại sổ đăng ký của công ty, ngày phát hành cổ phiếu.
Quý doanh nghiệp có thể liên hệ với Luật M.J qua các thông tin sau:
– Zalo: 0814 9 67899
– Email: tuvanluat.mj@gmail.com
– Địa chỉ: Số 139 Phố Kẻ Vẽ, Phường Đông Ngạc, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội