Phân biệt cổ phần, cổ phiếu, cổ tức, cổ đông trong công ty cổ phần

Phân biệt cổ phần, cổ phiếu, cổ tức, cổ đông trong công ty cổ phần

Hiện nay các vấn đề liên quan đến công ty cổ phần được rất nhiều người quan tâm. Theo đó thì nhiều người chưa nắm rõ được các kiến thức có liên quan đến loại hình doanh nghiệp này. Luật M.J thông qua bài viết dưới đây để giúp quý khách phân biệt cổ phần, cổ phiếu, cổ tức, cổ đông trong công ty cổ phần. Để từ đó có thể hiểu được các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật hiện hành.

1. Khái niệm về công ty cổ phần

Căn cứ theo quy định tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về Công ty cổ phần như sau:

“Điều 111. Công ty cổ phần

  1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
  2. a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
  3. b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
  4. c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
  5. d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
  6. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  7. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.”

Khi tiến hành hoạt động kinh doanh dưới hình thức loại hình doanh nghiệp công ty cổ phần, chúng ta thường hay bắt gặp nhiều thuật ngữ khá giống nhau, như là cổ phần, cổ phiếu, cổ tức và cổ đông. Chúng ta cần hiểu rõ các thuật ngữ đó được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2020.

2. Cổ đông

Khoản 3 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định về khái niệm cổ đông như sau: Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.

Như vậy, có thể hiểu, cổ đông là người góp vốn vào công ty cổ phần, dưới hình thức mua lại số cổ phần đã phát hành hoặc quy đổi cổ phần theo Điều lệ của công ty hoặc luật doanh nghiệp. Số lượng cổ đông tối thiểu trong công ty cổ phần là 3 người, không có giới hạn về mức tối đa.

Có nhiều cách phân loại cổ đông, tùy thuộc vào từng tiêu chí, mức độ, loại cổ phần mà cổ đông sở hữu để tiến hành phân loại.

– Dựa vào thời điểm tham gia thành lập doanh nghiệp: cổ đông có thể chia ra thành cổ đông sáng lập và cổ đông khác;

– Dựa vào loại cổ phần mà cổ đông sở hữu: cổ đông có thể chia thành cổ đông phổ thông, cổ đông ưu đãi.

3. Cổ phần.

Theo điểm a khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.

Như vậy, cổ phần có nghĩa là phần chia nhỏ nhất của vốn điều lệ công ty cổ phần. Cổ phần được thể hiện dưới dạng hình thức cổ phiếu, người nắm giữ cổ phần được gọi là cổ đông.

Cổ phần bao gồm cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi.

– Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

– Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi, cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

+ Cổ phần ưu đãi cổ tức;

+ Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

+ Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

+ Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.

Lưu ý: Chỉ có cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông và cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết mới có quyền tiến hành biểu quyết trong Đại hội đồng cổ đông.

4. Cổ phiếu

Theo khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.

Theo đó, cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành

Cổ phiếu phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

– Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

– Số lượng cổ phần và loại cổ phần;

– Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;

– Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;

– Chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;

– Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;

– Nội dung khác theo quy định tại các điều 116, 117 và 118 của Luật này đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.

5. Cổ tức

Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho các cổ đông của công ty. Cổ tức có thể được trả bằng tiền hoặc bằng cổ phiếu. Cổ tức được trả dựa trên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp.

Lợi nhuận ròng của doanh nghiệp được hiểu là khoản tiền chênh lệch giữa tổng doanh thu bán được trừ đi tất cả các khoản chi phí, kể cả thuế. Như vậy, lợi nhuận ròng chính là tiền lãi của doanh nghiệp sau khi đã đóng thuế.

Theo điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau:

– Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

– Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

– Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Theo khoản 3 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.

Trên đây là một số nội dung cơ bản về các thuật ngữ cơ bản trong công ty cổ phần và Luật M.J tổng hợp. Trong trường hợp khách hàng có nhu cầu thành lập công ty cổ phần hoặc có bất cứ vấn đề gì liên quan đến doanh nghiệp, hãy liên hệ trực tiếp tới Luật M.J để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể hơn.

Quý doanh nghiệp có thể liên hệ với Luật M.J qua các thông tin sau:

– Zalo: 0814 9 67899

– Email: tuvanluat.mj@gmail.com

– Địa chỉ: Số 139 Phố Kẻ Vẽ, Phường Đông Ngạc, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội